-
- Tổng tiền thanh toán:
TẠI SAO APPLE CÓ THỂ MỘT MÌNH “XƯNG VƯƠNG XƯNG TƯỚNG” TRÊN THỊ TRƯỜNG SMARTWATCH?
Đăng bởi Phạm Văn Bắc vào lúc 15/10/2019
Huawei, Samsung, Fitbit và hầu như mọi hãng sản xuất smartwatch khác hiện nay đều tụt hậu quá xa so với Apple.
* Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn cá nhân của phóng viên Adrian Diaconescu thuộc trang PhoneArena, VNReview xin được lược dịch để các bạn tham khảo.
iPhone đã không còn sức hút như nó đã từng, xét cả về doanh số lẫn lợi nhuận, nhưng sau rất nhiều năm dựa dẫm vào dòng sản phẩm này để thúc đẩy sự tăng trưởng của cả công ty, Apple đã biết thích ứng cực nhanh với thị trường di động đang chững lại, tập trung nhiều hơn bao giờ hết vào các bộ phận Dịch vụ và Wearable vốn ngày càng béo bở hơn.
Mảng wearable, gồm Apple Watch và AirPods, được cho là đã đạt được mức lợi nhuận hơn 5,5 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2019, tăng 48% so với một kết quảkhác ấn tượng không kém từ cùng khoảng thời gian này năm ngoái. Dù gã khổng lồ công nghệ Cupertino có vẻ không quan tâm lắm đến những số liệu về lượng hàng hóa xuất xưởng của hai dòng sản phẩm cực kỳ phổ biến , chúng ta những người tiêu dùng – chắc chắn sẽ tòm mò đôi chút, và đó là lúc các công ty nghiên cứu thị trường vào cuộc.
Ví dụ, Tập đoàn dữ liệu quốc tế ước tính Apple đã bán được gần 13 triệu thiết bị wearable từ giữa tháng 1 đến tháng 3/2019, trong khi Counterpoint Research cho biết trong quý đầu tiên của năm nay, cứ 3 smartwach bán ra trên toàn thế giới thì có một chiếc của Apple. Những con số đó càng đáng chú ý hơn nữa khi xét đến việc ngành công nghiệp smartwatch đang thực sự phát triển sôi động chứ không như thị trường smartphone đang thấp thỏm lo âu; và theo tất cả các dự báo dài hạn, sự thống trị của Apple có lẽ còn lâu nữa mới bị thách thức.
Nhưng chính xác thì thị trường smartwatch như hiện nay - nơi doanh số Samsung, Fitbit và Huawei kết hợp lại cũng chưa bằng một nửa của Apple - đã hình thành như thế nào? Đó là vấn đề cực kỳ phức tạp, nhưng dưới đây là một số câu trả lời có thể chấp nhận được:
Google không còn muốn thử sức trên thị trường smartwatch nữa
Bạn hãy nói nhanh tên của 3 chiếc smartwatch chạy Wear OS đi. Hai cái thôi cũng được? Hoặc một cái, miễn là nó có gì đó hấp dẫn ngoài việc sở hữu thiết kế phong cách và giá cả hợp lý.
TicWatch Pro 4G LTE là thiết bị mới nhất chạy Wear OS...nhưng rất ít người sẽ bỏ tiền ra mua nó
Lẽ thường tình, Google là người phải chịu trách nhiệm cho mọi yếu kém của nền tảng Android Wear – một nền tảng dành cho smartwatch nhận được sự ủng hộ của Samsung, Motorola và LG vào năm 2014. Hiện nay, khi chiếc Moto 360 đã chấm dứt vòng đời, Samsung đã rời bỏ con tàu chìm để tập trung phát triển hệ điều hành của riêng mình, và LG thì chẳng thèm cố gắng thử lại, giống như Google vậy.
Thay vì tích cực cải thiện những thứ như thời lượng pin, theo dõi sức khỏe, sự mượt mà của toàn hệ thống, hay thậm chí là đánh một ván cược vào một mẫu smartwatch flagship như Pixel Watch chẳng hạn, nhằm mang đến cho thị trường một dấu hiệu niềm tin về tương lai của Wear OS, thì gã khổng lồ tìm kiếm lại đổi tên nền tảng vào năm ngoái, tập trung vào những thứ nhỏ nhặt và chỉnh sửa giao diện người dùng thay vì thực hiện những thay đổi lớn và táo bạo trong các bản cập nhật sau này, và tìm cách phát triển một con chip Snapdragon mới nhưng chẳng tốt hơn người tiền nhiệm của nó là bao. Dễ hiểu tại sao hầu hết các công ty nghiên cứu thị trường lại ngó lơ khi nói về Wear OS, phải đọc thật kỹ các bản báo cáo của họ chúng ta mới thấy được nền tảng này chỉ chiếm chưa đầy 12% thị phần tại Mỹ.
Đó thực sự là một con số đáng hổ thẹn đối với một hệ điều hành được sinh ra trước cả dòng sản phẩm Apple Watch.
Samsung đi sai đường quá lâu
Nói về sự xuất hiện của Apple Watch, bạn có biết rằng phiên bản đầu tiên của thiết bị wearable bán chạy hàng đầu thế giới này cần đến gần 8 tháng mới đạt doanh số bằng hơn một nửa so với tổng lượng hàng xuất xưởng của năm 2015 hay không? Trong khi đó, những sản phẩm tương tự vào năm 2015, như Samsung Gear Live, LG G Watch, và Moto 360 vẫn đang tìm chỗ đứng cho mình. Và cho đến nay, dòng sản phẩm smartwatch của Samsung vẫn vậy, chưa đạt đến độ chín muồi và ổn định mà Apple Watch hiện có.
Chiếc Galaxy Gear thô kệch ra mắt một năm rưỡi sau Apple Watch
Apple Watch Series 4 trông không khác nhiều so với Series 0 xét về ngoại hình, nhưng khi nói đến chức năng, sức mạnh, sự tiện dụng, và tính dễ sử dụng, từ số 0 lên số 4 là một bước tiến rất dài. Ngược lại, chiếc Galaxy Watch Active trông chẳng giống chút nào về thiết kế so với những chiếc Gear đời đầu, nhưng sâu bên trong, sự khác biệt giữa chúng là rất ít. Giống như hầu hết các smartwatch không phải của Apple, chiếc Galaxy Watch và Watch Active vẫn đang tìm kiếm một thứ gì đó lôi cuốn để giúp chúng thoát khỏi cái mác "smartphone trên cổ tay" được nhiều người gán cho.
Quá nhiều thử nghiệm, và điều đó có thể gửi sai thông điệp đến khách hàng – những người muốn tin rằng bạn có một kế hoạch dài hạn nhằm cải tiến và tối ưu một thiết kế chung thay vì liên tục thử những cái mới rồi bảo đó là "đang cố gắng". Nhìn lại, Apple rõ ràng đã quyết định ngay từ sớm rằng những chiếc smartwatch của hãng sẽ nhắm đến mục tiêu giữ cho người đeo được khỏe mạnh, luôn kết nối, và… được sống, thay vì huyễn hoặc họ với những thiết kế mĩ miều và những phương thức điều hướng lạ lẫm.